NFT là gì? Đây là từ viết tắt của Token Không thể Thay thế – một loại tài sản số đặc biệt do blockchain lưu trữ. Nhờ tính không thể thay thế và bất biến mà các token này có tính bảo mật cao, có khả năng chống trộm cắp và gian lận tốt. Vào năm 2021, NFT được Từ điển Collins tôn vinh là từ vựng của năm.
Tham gia kênh Telegram của AnonyViet 👉 Link 👈 |
Sức hấp dẫn của NFT nằm ở tính độc đáo và tính bảo mật của các token này. Chúng có khả năng đại diện cho mọi thứ, từ tác phẩm nghệ thuật, những bản nhạc số, cho đến các video và vật phẩm trong game. Vì NFT không thể sao chép hoặc thay đổi nên chúng đảm bảo rằng người sáng tạo và người mua luôn giữ quyền sở hữu tài sản.
Lịch sử của NFT: Từ một Ngách Nhỏ hóa Cơn sốt Mainstream
Lịch sử của NFT khởi đầu từ năm 2014 khi Kevin McCoy tạo ra NFT đầu tiên mang tên “Quantum” trên blockchain Namecoin. Tuy nhiên, khái niệm này vẫn còn khá chìm, cho đến giữa những năm 2018 và 2021 thì mới được chú ý đến. Trong giai đoạn này, thị trường đã tăng trưởng gấp 60 lần do những người nổi tiếng trẻ, giàu có, những người có ảnh hưởng và nghệ sĩ mới nổi quan tâm đến. Vào tháng 3 năm 2021, nghệ sĩ Mike Winkelmann (còn có biệt danh là Beeple) đã bán tác phẩm NFT “Everyday” của mình với giá kỷ lục 69 triệu USD tại nhà đấu giá Christie. Phi vụ này đã gây chấn động toàn cầu, đưa NFT trở thành một trào lưu mới.
Theo NonFungible.com, thị trường NFT đã có sự tăng trưởng bùng nổ vào năm 2021, với doanh thu đạt 17,6 tỷ USD, tăng 21.000% so với 82 triệu USD vào năm 2020. Có một số yếu tố dẫn đến tốc độ tăng trưởng như vậy:
- Giá tiền crypto tăng vọt tạo ra vốn cho đầu tư đầu cơ vào các tài sản số mới nổi.
- Việc các nghệ sĩ và người nổi tiếng công nhận và ra mắt NFT.
- Các nhà đấu giá và phòng trưng bày lớn bắt đầu coi NFT như một hình thức nghệ thuật.
- Những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội và các nhà đầu tư crypto quảng bá NFT cho các nhà đầu tư bán lẻ.
- Thị trường NFT dễ tiếp cận hơn – những người mới làm quen với công nghệ cũng giao dịch được NFT.
Tương lai NFT trong năm 2024 sẽ ra sao?
Ngành công nghiệp tài sản số đã và đang phục hồi trong khoảng một năm qua sau đợt suy thoái của thị trường năm 2022 và một loạt vụ bê bối, chẳng hạn như vụ lừa đảo lớn gây sụp đổ giao dịch FTX của Sam Bankman-Fried.
Một trong những yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc tiếp nhận NFT rộng rãi trong năm nay là việc tích hợp các token này vào game và metaverse. Một yếu tố khả thi khác là liệu các thương hiệu truyền thống bắt đầu tận dụng NFT hay không.
Mặc dù có những yếu tố có thể khuyến khích tiếp nhận NFT hơn, khả năng phục hồi có thể sẽ không giống như cơn sốt vào năm 2021 nữa, vì vậy đừng nhìn nhận NFT như một tài sản bùng nổ nữa. Thay vì một vài bộ sưu tập trị giá hàng triệu USD, hãy chú tâm vào những dự án NFT nhỏ hơn với mức giá dễ tiếp cận hơn và tiện ích cao hơn.