UTM SE, một trình giả lập PC tiên tiến, đã chính thức được Apple cho phép xuất hiện trên App Store dành cho iOS, iPadOS và visionOS. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chính sách của Apple, khi họ mở rộng cửa cho các ứng dụng giả lập mà trước đây từng bị từ chối. Điều này không chỉ mang lại niềm vui cho cộng đồng người dùng yêu thích công nghệ mà còn tạo điều kiện cho họ trải nghiệm nhiều hệ điều hành cổ điển ngay trên các thiết bị của Apple.
Tham gia kênh Telegram của AnonyViet 👉 Link 👈 |
Apple từng từ chối cho phép giả lập PC trên iOS
Vào cuối tháng 6, Apple đã từ chối hai trình giả lập là iDOS 3 và UTM SE trên hệ điều hành iOS vì vi phạm điều khoản 4.7 trong Nguyên tắc đánh giá ứng dụng của hãng. Tuy nhiên, vào ngày 14/7, Apple bất ngờ cho phép trình giả lập PC UTM SE xuất hiện trên App Store, không chỉ dành cho iOS mà còn cho iPadOS và visionOS.

Khi bị từ chối, nhà phát triển của UTM SE đã thông báo rằng họ sẽ ngừng cố gắng phát triển thêm vì Apple cho rằng ứng dụng này mang lại “trải nghiệm kém”. Dù vậy, đến ngày 14/7, UTM đã cảm ơn nhóm AltStore vì sự hỗ trợ của họ và ghi nhận công lao của một nhà phát triển khác trong việc triển khai QEMU TCTI cho phiên bản không có JIT (Just-In-Time Compilation).
Lý do đằng sau sự “quay xe” này vẫn chưa rõ ràng, liệu có phải là sự thay đổi trong chính sách của Apple hay điều gì khác biệt trong chính ứng dụng.
Xem thêm: Cách khóa Messenger bằng Face ID hoặc Touch ID
Vì sao Apple khắt khe với các trình giả lập?
Việc chạy các trình giả lập trên điện thoại là hoàn toàn hợp pháp, trong khi sao chép phần mềm và trò chơi cũ thường bị cấm. Chính vùng xám pháp lý này đã khiến các trình giả lập không có sẵn trên iOS App Store cho đến thời gian gần đây. Ttrước áp lực ngày càng tăng từ các nhà quản lý, Apple đã bắt đầu giảm bớt sự kiểm soát đối với lựa chọn của người dùng.

UTM SE – Trình giả lập PC đầu tiên được cấp phép
UTM SE là trình giả lập PC giúp chạy các phần mềm cổ điển và trò chơi cũ. Ứng dụng hỗ trợ chế độ VGA cho đồ họa và chế độ terminal cho các hệ điều hành chỉ có văn bản. UTM SE giả lập các kiến trúc x86, PPC và RISC-V, và có thể chạy các máy được xây dựng sẵn hoặc do người dùng tự cấu hình. Được xây dựng dựa trên QEMU, một trình giả lập phổ biến và mạnh mẽ.

Việc UTM SE được Apple cấp phép trên iOS, iPadOS và visionOS là một dấu mốc quan trọng. Tương tự như các trình giả lập PC trên Android, UTM SE không cung cấp sẵn hệ điều hành. Người dùng cần truy cập trang web của UTM để tham khảo hướng dẫn cài đặt, từ Windows XP đến Windows 11, hoặc tải xuống các bản máy ảo Linux đã được tạo sẵn. Ngoài ra, ứng dụng còn hỗ trợ giả lập macOS 9.2.1 và DOS.
Ngoài ra, cách tiếp cận này giúp cả nhà phát triển ứng dụng và Apple tránh khỏi trách nhiệm pháp lý về những gì người dùng làm với trình giả lập.
UTM SE hỗ trợ các hệ điều hành nào?
UTM SE cho phép người dùng cài đặt nhiều phiên bản hệ điều hành khác nhau, từ Windows XP, Windows 7, Windows 10, Windows 11 đến các phiên bản Linux và Ubuntu. Qua thử nghiệm trên iPhone 14, quá trình cài đặt Windows qua UTM SE diễn ra khá lâu và gặp tình trạng giật, lag khi thao tác cơ bản.
Nguyên nhân chính là do phiên bản trên App Store không có JIT, một tính năng biên dịch giúp tối ưu hóa hiệu suất của ứng dụng.

Lưu ý: Để có trải nghiệm tốt nhất, người dùng nên chạy trình giả lập này trên các thiết bị đã Jailbreak hoặc sử dụng TrollStore.
- Link tải UTM SE TẠI ĐÂY

Xem thêm: Hướng dẫn mua vé Water Bus trên Zalo
Lời Kết
Việc Apple cho phép UTM SE xuất hiện trên App Store không chỉ là một tín hiệu tích cực cho cộng đồng phát triển ứng dụng mà còn là cơ hội lớn cho người dùng khám phá và trải nghiệm những công nghệ cũ trên thiết bị mới. Hy vọng rằng trong tương lai, UTM SE sẽ tiếp tục được cải thiện và mang đến những trải nghiệm mượt mà hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng.